Sinh viên bị ‘giam’ bằng tốt nghiệp vì chuẩn đầu ra ngoại ngữ
Nhiều sinh viên năm cuối ở các trường đại học không thể tốt nghiệp đúng hạn do “nợ” chứng chỉ ngoại ngữ.
Là sinh viên năm cuối tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong khi hầu hết các bạn học đều đã nhận bằng tốt nghiệp, Nguyễn Văn Hùng vẫn chưa thể ra được trường vì yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
“Em cảm thấy khá buồn và hụt hẫng. Các bạn của em đều được lên nhận bằng hết, còn em chưa thể ra trường ở thời điểm hiện tại. Em đang cố gắng ôn tập, thi lại để kịp ra trường vào đợt sau”, Hùng nói.
Hùng không phải trường hợp duy nhất tốt nghiệp muộn do chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, mỗi năm, ngôi trường này chỉ có khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp đúng hạn. Hàng nghìn sinh viên bị đuổi học, nợ môn hoặc không đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh nên chưa thể tốt nghiệp.
Trường yêu cầu sinh viên phải đạt từ 500 TOEIC trở lên mới có thể tốt nghiệp. Ngoài ra, sinh viên cũng phải đạt yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ theo tín chỉ tích lũy; trường hạn chế khối lượng học tập của sinh viên trong trường hợp không đạt chuẩn ngoại ngữ hay yêu cầu sinh viên phải đạt chuẩn tiếng Anh mới được làm luận văn tốt nghiệp…
Vũ Ngọc Lan, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết nhiều sinh viên trong trường chậm tiến độ tốt nghiệp do chưa đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh. Bản thân em cũng đang loay hoay để chọn được một trung tâm uy tín, chất lượng giúp em lấy được chứng chỉ TOEIC từ 550 trở lên.
TS Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng ban đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của ngoại ngữ trong xã hội hiện đại, nhiều trường khoa học kỹ thuật, trong đó có ĐH Bách khoa Hà Nội siết chặt đầu ra tiếng Anh để sinh viên dù tập trung vào kiến thức chuyên môn cũng không lơ là việc học ngoại ngữ.
“Việc siết chặt đầu ra nhằm nhắc nhở sinh viên về việc trau dồi khả năng ngoại ngữ. Ngoài ra, điều này cũng hỗ trợ các em có một lộ trình phù hợp, bởi ngoại ngữ khó có thể tích lũy trong một thời gian ngắn”, TS Hùng nói.
Tương tự, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết, những năm gần đây, nhiều trường kinh tế đòi hỏi chuẩn đầu ra của tiếng Anh rất cao.
“Để thuận lợi cho sinh viên, trường cũng áp dụng quy định này từ năm 2017, đến nay đã được 7 năm. Yêu cầu siết chặt cũng là động lực để các em chủ động tích lũy kiến thức trong thời gian dài”, ông Triệu nói.